Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta một
tấm gương mẫu mực về đạo đức.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được các cấp,
các ngành và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào rộng
khắp trong cả nước. Học tập và làm theo những điều bình thường giản dị, thấm
sâu vào lòng người về tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người suốt đời
vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chúng ta học tập và làm theo Bác Hồ thông qua những
câu chuyện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác được lưu giữ trong từng
trang sách.
Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 2/9/1969), tên khai sinh: Nguyễn Sinh Cung, là nhà
cách mạng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những người đặt
nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh
thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Bác là người viết
và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào
2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa trong thời gian 1945–1969. Hồ Chủ tịch – một con người vĩ đại đến cuối
đời vẫn nghĩ vì dân, vì nước. Bác cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước.
Đồng hành cùng Bác chính là các chiến sĩ, những người cũng quên ăn, quên ngủ
không kém mà dành toàn tâm toàn lực cho những trận đánh, cuộc kháng chiến
đầy gian lao khổ cực. Họ còn sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì tương lai của nước
nhà.
Đối với chiến sĩ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác Hồ thường
dành cho anh em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất. Và tình yêu thương
ấy của Bác được diễn tả lại qua các mẫu truyện ngắn trong nhiều quyển sách khác
nhau. Tuyển tập Bộ sách “Những câu chuyện về Bác Hồ” gồm rất nhiều quyển
sách nói về Bác được chia theo các chủ đề như “Tết và xuân của Bác Hồ”, “Bác Hồ
với thiếu niên, nhi đồng”, “Hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” hay
“Đức tính chuyên cần của Bác Hồ”... Mỗi câu chuyện đều cho chúng ta thêm hiểu
biết về Người và cho ta nhiều bài học quý giá về đạo đức, lối sống, tình cảm... Bộ
sách này do Nhà Xuất bản Mỹ thuật xuất bản, Trần Thị Ngân sưu tầm và tuyển
chọn.
Rảo bước vài vòng trong thư viện nhỏ đầy ắp những sách, tình cờ em gặp
quyển “Bác Hồ với chiến sĩ” được đặt trong một góc của tủ sách giáo dục đạo đức
trong nhà trường về Bác. Tuy cách trang trí bìa sách khá đơn giản, không màu mè
nhưng nó lại có thể thu hút sự chú ý từ em và khiến em cảm thấy thích thú muốn
tìm hiểu quyển sách này. Sách có kích thước tương đối 17 x 24cm. Toàn bìa sách
chỉ với một màu xanh lục giản dị nhưng tươi sáng. Trên cùng là dòng chữ màu đen
nho nhỏ “NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ BÁC HỒ”, kèm theo dưới đó là những nét vẽ
màu trắng cách điệu gương mặt hiền hậu của Người. Tiếp theo, dòng chữ cũng là
tên của quyển sách “BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ” được in đậm với cỡ chữ to nhất, màu
xanh dương. Ngoài ra, sách còn được trang trí bằng một bức ảnh chụp Bác ngồi
cùng với các anh em chiến sĩ với màu trắng đen nhưng lại rất nổi bật trên bìa sách.
Bức ảnh cho thấy hình ảnh Bác Hồ rất thân thiết đang ngồi gần với các chiến sĩ, có
lẽ là đang cùng mọi người chăm chú nhìn về một trận đánh phía xa kia.
Mở quyển sách đến trang thứ 3, các bạn đọc giả sẽ thấy phần lời nói đầu là
những lời giới thiệu về Bộ sách “Những câu chuyện về Bác Hồ” do Nhà xuất bản
biên soạn.
Từ trang 5 đến trang 172 là liên tiếp những câu chuyện của Bác Hồ Chí Minh
với chiến sĩ. Nhiều mẫu chuyện hay cho nhiều bài học ý nghĩa, người đọc không
khỏi xúc động bởi tấm lòng yêu thương cao cả của Bác dành cho các chiến sĩ.
Không cách này thì cũng cách khác, Bác luôn nghĩ và chăm lo cho đời sống của mọi
người là trên hết thay vì quan tâm đến bản thân mình. Bác không chỉ là một vị
lãnh tụ vĩ đại mà còn là vị cha già kính yêu mà muôn đời con cháu đất Việt không
bao giờ quên. Hình ảnh của Bác luôn luôn là nguồn cổ vũ lớn lao cho dân tộc Việt
Nam tiếp bước để sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bác vẫn sống mãi
trong lòng dân tộc Việt Nam.
Quyển sách này có tổng cộng 67 câu chuyện ngắn kể về tấm lòng của Bác đối
với chiến sĩ và đồng bào của cả nước trong những năm tháng kháng chiến trường
kỳ chống giặc ngoại xâm. Tên câu chuyện kèm với số trang được thể hiện ở phần
mục lục từ trang 173 đến 175.
Đọc từng dòng chữ, nghiền ngẫm từng chi tiết, ta mới có thể thấy được suy
nghĩ, tình cảm của Người dành cho các chiến sĩ và những điều mà Người muốn
dạy ta. Vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn muốn con cái của mình là
người Việt chúng ta đây trưởng thành và hoàn hảo từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Như trong câu chuyện “Một chuyến thăm, ba bài học” trong quyển sách này, từ
trang 45 đến trang 46. Một trong ba bài học quý giá ấy của Bác dành cho đại đội
đó chính là sự cần cù vượt khó. Đối với Bác thì “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng
không bền”. Và thực tế đã chứng minh, với sự kiên trì không ngại khó ngại khổ
cùng với ý chí và kinh nghiệm, các chiến sĩ đã biến một khu sườn đồi đầy đá sỏi
thành những luống rau xanh tốt. Chúng ta cũng vậy, khi gặp việc gì khó khăn thì
không nên lùi bước, phải kiên trì bằng cả trí tuệ, sức lực và sự đoàn kết, sự tiếp
thu, chia sẻ kinh nghiệm để cùng vượt qua khó khăn, vươn tới thành công.
Quyển sách này còn có rất nhiều mẫu chuyện hay và mang lại cho ta những ý
nghĩa vô cùng sâu sắc. Chẳng hạn ở trang 129, có một câu chuyện “Bài học lớn từ
một tách cà phê” đã cho chúng ta thấy tính thương người và tinh thần tiết kiệm
của Bác là không ai bằng. Thật cảm động biết bao trước sự yêu thương bao la của
Bác dành cho các chiến sĩ.
Cũng giống như “Tấm lòng của Bác với thương binh, liệt sĩ” ở trang 155 và 156.
Bác Hồ thường viết thư gửi cho đồng bào Nam bộ, và trong mỗi bức thư của
Người đều có nhắc đến công lao của các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh. Người
viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các
đồng bào đã hi sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hi sinh đó không phải
là uổng”, “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam
đã vì Tổ quốc mà hi sinh anh dũng”.
Những câu chuyện giản dị về Bác Hồ luôn làm cho chúng ta bồi hồi, xúc động.
Đó là những câu chuyện kể từ kí ức những ngày bên Bác hay được Bác đến thăm
của cán bộ, chiến sĩ... Việt Nam có quyền kiêu hãnh và tự hào, vì chúng ta có một
Lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất, đó là Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là ngọn đèn
pha chói lọi soi đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân ta đấu tranh giành độc lập
dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hãy lật và đọc những trang sách trong quyển sách “Bác Hồ với chiến sĩ” này để
mỗi người dân Việt Nam chúng ta thấy được đầy ắp những tấm lòng yêu nước
thương dân cao cả của Bác đối với dân tộc Việt.
Tuy Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di
sản vô giá, đó là tư tưởng của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân của sự
kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của
nhân loại. Trên thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản tinh thần vô
giá của Đảng ta và của cả dân tộc ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam
học tập và noi theo.
Hiện quyển sách đang có tại thư viện THCS An Châu, với mã số SKT từ 3134-3136, mời các bạn tìm đọc !